Lân Vĩnh Lộc, nhân dân địa phương thường gọi miễu ông Dồi được xây dựng khá sớm, khoảng đầu thế kỷ XX. Ban đầu lân Vĩnh Lộc được làm bằng tranh tre, vách đất nhưng nhờ sự hưng công đóng góp của nhân dân địa phương và các lái (chủ ghe thuyền) đã trùng tu di tích khá bề thế như hiên nay. Lân có kiến trúc hình chữ tam, chia làm ba tòa nhà: tiền đường, chánh điện và hậu cung. Kỹ thuật xây dựng cũng theo mô típ truyền thống, công trình được kiến tạo bằng các bộ vì kèo, trụ chồng choãi cánh dơi kết hợp với nghệ thuật điêu khắc gỗ long, lân, quy, phụng và cách điệu trên các gian thờ gồm bao lam, hoành phi, liễn đối. Trang trí đắp nổi trên di tích có tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng; tứ thời: Mai Điểu, Trúc Tước, Tùng Lộc, Cúc Trĩ, tất cả đều là những hình tượng nghệ thuật của một công trình mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn nên rất có giá trị.
Thần chủ được thờ ở lân Vĩnh Lộc chính là thần Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), 5 vị nữ thần của cư dân nông nghiệp. Tuy nhiên, trải qua thời gian, cộng đồng người Việt ở xóm Bến Đình tin rằng nữ thần Thiên Y A Na là vị thần có nhiều quyền lực hơn và có khả năng trấn áp các thế lực siêu nhiên gây bất ổn trong đời sống nên họ đã cung thỉnh vị nữ thần Thiên Y A Na tại dinh Bà Thiên Y A Na ở thôn Tây, làng An Vĩnh về đặt thờ ở hậu cung, đây chính là dạng thức phối thờ Thiên Y A Na rất độc đáo, họ mong rằng nữ thần Thiên Y A Na cùng với nữ thần Ngũ Hành sẽ phù hộ, độ trì cho dân làng trong cuộc sống bình an.
Ngũ Hành tức là bà Kim, bà Mộc, bà Thổ, bà Thủy, bà Hỏa, dân gian gọi chung là bà Ngũ Hành, hay Ngũ Hành Thượng Giới. Ngũ Hành, theo quan niệm dân gian, liên quan tới mọi mặt của đời sống con người, không kể các nghành nghề như ngư nghiệp, nông nghiệp hay buôn bán, không kể cư dân ven biển, dọc ven sông hay vùng bán sơn địa. Tuy nhiên, miếu thờ riêng hay phối thờ thường tập trung ở ven biển, ven các lạch, cửa sông. Đặc biệt các làng làm nghề cá ven biển thì thờ nhiều hơn, với mong muốn các Bà sẽ phù hộ độ trì, tránh rủi ro, thiên tai dịch họa. Vì vậy, trong buổi đầu xây dựng vùng đất đảo Lý Sơn, các yếu tố tự nhiên Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ đã chi phối mọi mặt trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây rất sâu đậm. Chính sự linh ứng của thần Ngũ Hành mà các vua chúa triều Nguyễn đã sắc phong ngũ đức thánh phi tôn thần truyền cho nhân dân khắp nơi lập lân, miếu thờ.
Theo lệ cổ truyền, cư dân xóm Bến Đình tổ chức tại lân Vĩnh Lộc các lễ chính theo âm lịch như: Ngày 24 tháng Chạp tế lễ dựng nêu, ngày mồng 3 tháng Giêng tế lễ động thổ, ngày 25 tháng 2 là lễ vía bà, ngày mồng 2 tháng 2 tế lễ cầu an, ngày mồng 2 tháng 5 tế lễ tiền hiền, ngày 19 tháng 10 tế lễ hoàn nguyện (lễ lên nghề) và lễ tết Nguyên đán (từ mồng 1 đến ngày mồng 7 âm lịch). Nhiệm vụ tổ chức tế lễ do ông chủ lân Vĩnh Lộc và ban tế tự đứng ra tổ chức và có sự tham gia của cồng đồng. Lân Vĩnh Lộc được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2015.